Thứ Ba, 5 tháng 12, 2017

Cảnh giác với các 'chiêu thức' đầu độc về văn hóa của chiến lược 'Diễn biến hòa bình'

Cảnh giác với các 'chiêu thức' đầu độc về văn hóa của chiến lược 'Diễn biến hòa bình' - Ảnh 1
Trong giai đoạn hiện nay, cần tạo ra những động lực
 văn hóa - tinh thần để khơi dậy phong trào xây dựng
và phát triển văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc. Ảnh: Nguyễn Đình Hùng
Thực hiện chiến lược 'Diễn biến hòa bình' chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị đang ngày càng điên cuồng thúc đẩy 'tự diễn biến' về mặt văn hóa, xem đây là một trong những mắt xích quan trọng trong việc làm 'đổi màu' xã hội nước ta. Thông qua các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, chúng đặt trọng tâm vào việc làm rối loạn chuẩn mực đạo đức, lối sống và làm băng hoại truyền thống văn hóa dân tộc. Mục đích của chúng là gieo rắc lối sống thực dụng, xa rời lý tưởng, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, nhằm dễ bề thao túng, kích động gây rối, gây bạo loạn lật đổ và cướp chính quyền khi điều kiện phát sinh.


Thủ đoạn hiểm độc
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động luôn coi việc tấn công trên mặt trận văn hóa là “mũi đột phá” và là nội dung trọng yếu, là vũ khí lợi hại nhất. Vì sao như vậy? Đơn giản là vì văn hóa có sức mạnh to lớn, có thể làm cho đối phương mất cảnh giác, dễ bị cám dỗ, mất phương hướng chính trị, không phân biệt đúng sai, thật giả. Từ đó, tạo ra sự hoang mang trong tư tưởng, sự hoài nghi về mục tiêu con đường đi lên CNXH, làm giảm sút lòng tin vào Đảng, vào chế độ, làm “bàn đạp” để hệ tư tưởng tư sản thâm nhập, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, từng bước chuyển hóa, xóa bỏ hệ tư tưởng XHCN.
Để thực hiện mục tiêu “công phá” về văn hóa, các thế lực thù địch, bọn phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị tìm mọi cách xuyên tạc đường lối xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng, chủ trương và chính sách văn hóa - xã hội của Nhà nước ta trong việc bảo vệ, xây dựng và phát triển hệ thống giá trị, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức XHCN Việt Nam cũng như nỗ lực vun đắp, bảo tồn tinh hoa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Cùng với đó, chúng ra sức lợi dụng chính sách mở cửa, giao lưu văn hóa để lén lút chuyển tải các sản phẩm văn hóa độc hại làm mê muội con người, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời, quảng bá lối sống của phương Tây, coi thường những giá trị văn hóa truyền thống, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ.
Chúng cũng tìm mọi phương thức để “nhập khẩu” các khuynh hướng văn hóa, nghệ thuật độc lập với chính trị vào nước ta, đồng thời, luôn tìm mọi cách xuyên tạc hoặc “phủ định sạch trơn” các giá trị mang tính nền tảng của văn hóa Việt Nam như truyền thống đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước... vốn đã trở thành cội nguồn sức mạnh của toàn dân tộc Việt Nam làm nên chiến thắng trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ngày nay.
Bên cạnh đó, chúng cũng tìm mọi cơ hội để tài trợ, giúp đỡ, khuyến khích cho các khuynh hướng văn hóa, nghệ thuật phi chính trị hoặc đi ngược lại với đường lối văn hóa, nghệ thuật của Đảng ta nhen nhóm, phát triển ở trong nước. Gắn liền với đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đẩy mạnh “đầu độc” nhu cầu thưởng thức văn hóa của các tầng lớp nhân dân bằng việc gieo rắc sản phẩm đồi trụy, độc hại, quan điểm, tư tưởng, lối sống thực dụng, đề cao giá trị vật chất, sùng ngoại, đồng thời, khuếch trương đề cao các giá trị văn hóa phương Tây, coi đó là biểu tượng, “giá trị chung” của nhân loại (?)...
Mục tiêu cuối cùng của chúng là làm rối loạn chuẩn mực đạo đức, lối sống và làm băng hoại truyền thống văn hóa dân tộc, gieo rắc lối sống thực dụng, xa rời lý tưởng, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, từng bước chuyển hóa tư duy, nếp nghĩ của người Việt Nam theo hướng đối lập với quan điểm, tư tưởng của Đảng và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Kiên quyết đấu tranh chống suy thoái về văn hóa
Ai cũng biết, văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh hun đúc nên phẩm chất, cốt cách con người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Xuất phát từ quan điểm này, Đại hội XII của Đảng đã nêu tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.
Để góp phần đấu tranh làm thất bại âm mưu thúc đẩy “tự diễn biến” về mặt văn hóa nhằm tạo ra mắt xích quan trọng trong việc làm “đổi màu” xã hội nước ta của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị, các ban, ngành chức năng cần chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm vô hiệu hóa âm mưu hiểm độc của chúng.
Chúng ta cần tăng cường phản bác các luận điệu xuyên tạc đường lối xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng và Nhà nước, đồng thời, tích cực tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng và phát triển hệ thống giá trị, những chuẩn mực văn hóa, đạo đức XHCN Việt Nam cùng nỗ lực vun đắp, bảo tồn tinh hoa truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Chúng ta phải quan tâm đến việc phòng, chống suy thoái về văn hóa, trước hết bằng việc nhận diện đúng và trúng những biểu hiện lệch lạc về văn hóa, đặc biệt là những thủ đoạn xảo quyệt, tinh vi của các thế lực thù địch và bọn phản động ẩn náu đằng sau sự thoái hóa, “giật dây” cho thoái hóa về mặt văn hóa...
Một vấn đề quan trọng nữa là cần tạo ra những động lực văn hóa - tinh thần đủ mạnh trong xã hội để khơi dậy phong trào xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần lưu tâm tới việc phát triển đội ngũ những người hoạt động văn hóa nghệ thuật, đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ và khoa học xã hội nhân văn, văn nghệ sĩ, báo chí, những nhà chuyên môn trên lĩnh vực văn hóa, những người trực tiếp góp phần làm giàu kho tàng văn hóa dân tộc.
Cùng với đó, chúng ta cần tăng cường tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, tôn vinh những nhân tố tích cực, giúp những nét đẹp văn hóa tỏa sáng trong đời sống xã hội. Điều quan trọng không kém là các cơ quan quản lý văn hóa cần chủ động rà soát xem trong lĩnh vực mình phụ trách có chỗ nào không đúng, còn khiếm khuyết, chưa phù hợp với xu thế xã hội để sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện, góp phần đưa các hoạt động văn hóa trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc và khởi nguồn cho sức mạnh nội sinh trong mỗi cá nhân, cộng đồng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Nguyễn Đình Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét