Với người dân, trước sự việc chính trị, xã hội đang được lan truyền với vô vàn “dị bản” lắp ghép trên mạng, chủ ý có, ác ý có, nhiều khi họ dễ tin và trở thành con rối, tiếp lửa cho những chiêu trò xuyên tạc, đả phá của kẻ xấu.
Có câu châm ngôn rằng: “Có hai cách để bị lừa. Một là tin vào điều không đúng và hai là không chịu tin vào điều đúng”. Ngày nay, trong thế giới mạng, người ta luôn có cảm giác bội thực thông tin nhưng điều đáng lo ngại nhất chính là bị nhiễu thông tin để rồi tin vào điều không đúng, điều sai trái, trong khi đó điều đúng, điều là lẽ phải, là sự thật thì lại không tin hoặc không chịu tin.
Với người dân, trước sự việc chính trị, xã hội đang được lan truyền với vô vàn “dị bản” lắp ghép trên mạng, chủ ý có, ác ý có, nhiều khi họ dễ tin và trở thành con rối, tiếp lửa cho những chiêu trò xuyên tạc, đả phá của kẻ xấu.
Tôi muốn mượn ý này để nói thực trạng rất đáng lo ngại trong xa lộ thông tin mạng hiện nay. Hằng ngày, các thế lực thù địch, phản động dòm ngó vào xa lộ thông tin trong nước, bao gồm cả báo chí, truyền thông và các diễn đàn, mạng xã hội để thu lượm thông tin, phục vụ mục đích chống phá.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta với việc kiểm tra, điều tra, xử lý kỷ luật và hình sự những cán bộ sai phạm chính là một tâm điểm mà kẻ địch tìm mọi cách để lợi dụng. Lựa chọn vào tâm điểm này, trước hết chúng nhằm vào tâm lý của người dân vốn dĩ rất bức xúc trước các biểu hiện, hành vi tham ô, tham nhũng, quan liêu, cửa quyền... của bộ phận cán bộ, công chức.
Từ chuyện “quan tham” xà xẻo, ăn hối lộ ở khu phố, bản làng đến những vụ việc lớn, rất lớn ở một số tập đoàn, tổng công ty và cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương. Tâm lý người dân vốn dĩ tò mò, ưa chuyện, nhất là chuyện càng “thâm cung, bí sử” liên quan cán bộ lãnh đạo cấp cao càng có sức lôi cuốn với người buôn chuyện.
Lợi dụng tâm lý đó, các thế lực thù địch, phản động thừa cơ vẽ hươu, vẽ vượn, bôi nhọ, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Thủ đoạn phổ biến là tạo dựng các clip, hình ảnh, đưa tin, bài có nội dung sai sự thật, được lắp ghép, bôi vẽ, tạo dựng, bình chế dựa trên những hình ảnh, sự kiện đang gây chú ý dư luận nhằm đánh lừa người nghe, người xem, mục đích làm cho họ tin đó là thật, tưởng thật.
Một số hình ảnh, clip còn được cài đặt tự động trên các trang Zalo, Facebook, YouTobe... có tốc độ lan truyền lớn. Mục đích của các đối tượng chính là đánh vào lòng tin người dân, làm cho người dân tin những thông tin, hình ảnh các đối tượng tung ra, từ đó gây hoài nghi đối với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Kể từ khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), chiêu trò xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung hỏa mù được các đối tượng tận dụng triệt để. Khi Hội nghị Trung ương 5 quyết định thi hành kỷ luật, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng, trên mạng lan tràn các thông tin xuyên tạc, nói rằng đây là minh chứng cho cuộc “ẩu đả”, “đả hổ” giữa các phe phái trong Đảng.
Một số trang mạng lại chế diễu hình thức xử lý kỷ luật này và nói rằng, đó là kiểu kỷ luật quá nhẹ, “vuốt ve”, “mị dân” chỉ xử lấy cớ chứ sự thực “Đảng vẫn bao che, dung túng”. Nhưng khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam, cũng chính những trang mạng đó lại trở bút, đưa ra giọng điệu “bình loạn” rằng “có biến trong Đảng”, “thanh trừng nội bộ”, “ẩu đả phe phái”...
Tương tự, khi bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, không ít trang mạng duy diễn rằng truy nã chỉ là “cái cớ” còn thực tế ông Thanh đã được thế lực “bật đèn xanh” cho trốn. Tuy nhiên, khi Trịnh Xuân Thanh về đầu thú, những thông tin sai lệch nhằm vào nội bộ Đảng, Nhà nước lại tiếp diễn với chiều hướng khác.
Hay khi ông Nguyễn Xuân Anh bị xử lý kỷ luật, cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các thế lực thù địch lại đẩy vấn đề chống tham nhũng, suy thoái của Đảng thành “nạn nhân phe phái tranh giành quyền lực”, “triệt hạ” nhằm vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bôi nhọ, xuyên tạc, gây chia rẽ.
Gần đây, khi cơ quan An ninh điều tra khởi tố, phát lệnh truy nã đối với Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), việc xử lý Đinh Ngọc Hệ (Út trọc), rất nhiều thông tin trên internet đã lợi dụng vụ việc này để đánh lận, giở chiêu bài bôi nhọ lực lượng Công an, Quân đội, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Các đối tượng sử dụng, cắt ghép các hình ảnh của bị can với các đồng chí lãnh đạo cấp cao rồi bình chế, bôi nhọ nhằm làm giảm uy tín, gây hoài nghi trong dư luận. Các thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin thất thiệt cũng được tung, lan truyền trên mạng, từ chỗ hành vi của cá nhân lại đánh lận, bôi nhọ cả lực lượng Công an, Quân đội.
Cần thấy rằng, chống tham nhũng, suy thoái là cuộc chiến ngay trong nội bộ, ngay trong đồng chí, ngay trong cấp lãnh đạo của tổ chức Đảng, đụng chạm rất nhiều vấn đề về quan hệ giữa con người với con người. Do đó, việc kiểm tra, kết luận tuân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nguyên tắc khách quan, thận trọng, đúng người, đúng tội, đúng hành vi.
Việc chúng ta phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn gần đây thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, thể hiện rõ sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ, trước hết là trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương. Hiện thực đó là minh chứng hiển nhiên, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc của kẻ địch, bịa chuyện phe cánh, đấu đá trong nội bộ Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ với cử tri rằng, không hay ho gì khi phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình nhưng vì sự tồn vong của chế độ, của Đảng đòi hỏi phải làm nghiêm, xử lý nghiêm. Mong muốn của người dân, đảng viên là công cuộc phòng, chống tham nhũng phải mạnh mẽ, triệt để hơn nữa với các hình thức xử lý nghiêm khắc.
Tuy nhiên, đây là công cuộc chống “giặc nội xâm” nên không thể nóng vội, các công việc phải làm từng bước, thận trọng, chắc chắn. Tiếp xúc cử tri tại TP Hồ Chí Minh sau kỳ họp thứ 4 – Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng khẳng định, kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã đạt một số kết quả bước đầu, tích cực, củng cố lòng tin của nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra còn chưa đạt được mong muốn, đòi hỏi phải chuyển biến đồng bộ hơn nữa.
“Tham nhũng là “giặc nội xâm”, các đối tượng len lỏi trong bộ máy chúng ta nên công tác điều tra cũng rất khó khăn, đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, chắc chắn” - Chủ tịch nước chỉ rõ. Hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đang chỉ đạo 23 vụ cần tập trung làm rõ, làm xong đến đâu xử lý đến đó, xử lý xong lại tiếp tục làm. Đồng ý với ý kiến cử tri về việc xử lý tham nhũng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, đấu tranh chống tham nhũng phải làm kiên quyết, không loại trừ bất kỳ ai, vị trí nào, không có vùng cấm...
Trong bài phỏng vấn Báo CAND gần đây, PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, hiện trong xã hội, kể cả trong Đảng có những biểu hiện thiếu niềm tin, chẳng hạn như cho rằng chống tham nhũng là quá khó, rồi cho rằng làm sao chống được, làm sao làm được... Ta phải hiểu đây là cuộc đấu tranh rất gian khổ, lâu dài và phải kiên trì, quyết tâm và phải có cách làm bài bản.
Trong khi đó, các thế lực thù địch đưa ra những luận điệu xằng bậy vì chúng không bao giờ ủng hộ những việc làm của ta. Mình làm kém, chúng bới móc ra chửi bới. Nhưng làm kiên quyết, thẳng thắn, đến nơi, đến chốn thì chúng cũng tìm cách xuyên tạc, bảo nội bộ thanh trừng nhau, đấu đá nội bộ, phe nhóm này kia.
Do đó, ông khuyến nghị, người dân cần có sự thanh lọc thông tin, nhất là thông tin gây nhiễu trên mạng internet. Phải tỉnh táo để chọn lọc thông tin đúng, tránh các thông tin độc hại, sai lệch tiêm nhiễm.
Internet, báo điện tử, mạng xã hội đang phát triển chóng mặt. Có hiện thực rằng, nhiều thông tin trên báo chí đang có dấu hiệu chạy theo mạng xã hội, thậm chí bị mạng xã hội dẫn dắt.
Trong khi đó, tính định hướng, thông tin khách quan, chính xác của báo chí là yêu cầu đã được quy định trong Luật Báo chí. Nhà báo vừa viết báo, vừa chơi mạng xã hội, điều đó càng đặt ra tính cẩn trọng trong thu nạp và xử lý thông tin, không thể chạy theo trào lưu, vì sự tò mò của độc giả mà đưa tin thiểu kiểm tra, tin chưa được kiểm chứng. Đồng thời cần sự thống nhất giữa chính bài viết trên báo với bài viết trên facebook, blog bởi nếu không thận trọng, những thông tin của nhà báo cũng dễ bị kẻ địch lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước.
Trong phiên thảo luận dự án Luật An ninh mạng tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu rằng, an ninh mạng là vấn đề an ninh phi truyền thống, lĩnh vực này hiện nhận được sự quan tâm của quốc tế.
“Cơ quan soạn thảo dự án luật quan niệm dòng chảy của thông tin giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người. Mạch máu và hệ tuần hoàn càng lưu thông, càng phát triển tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh. An ninh, an toàn phải làm sao để hệ tuần hoàn đó không bị nghẽn mạch, không bị đột quỵ, tắc nghẽn. Dòng máu đó phải làm sao có nhiều oxy, nhiều chất dinh dưỡng thì mới nuôi được cơ thể, chứ máu đỏ ít, máu đen thì nhiều, oxy ít, cacbonic nhiều thì rất nhức đầu, hệ thần kinh bị ảnh hưởng ngay. Tóm lại là an ninh mạng phải đảm bảo, phải giữ được hệ tuần hoàn thông suốt”...
Đăng Trường
x
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét