Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Mối quan hệ và tác động của “diễn biến hòa bình” với “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ


Thuật ngữ “diễn biến hòa bình” xuất hiện lần đầu trong đời sống chính trị thế giới vào năm 1949. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Dean Akison, trong một bức thư gửi Tổng thống Truman đã sử dụng khái niệm “diễn biến hòa bình” để chỉ sự chuyển hóa các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) thành tư bản chủ nghĩa. “Diễn biến hòa bình” do các nhà hoạch định chiến lược phương Tây soạn thảo từ cuối những năm 40 của thế kỷ 20, sau đó tiếp tục được bổ sung và hoàn chỉnh thành chiến lược vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20.
“Diễn biến hòa bình” là chiến lược của chủ nghĩa đế quốc (CNĐQ) và các thế lực phản động quốc tế thực hiện dưới một phương thức mới, thủ đoạn mới, phi quân sự để chống phá, đẩy lùi và đi tới xóa bỏ chủ nghĩa xã hội.

“Diễn biến hòa bình” gần đây có những biến thái mới (*):

Chủ thể của “diễn biến hòa bình” không chỉ là các thế lực thù địch (TLTĐ), các nước đế quốc chủ nghĩa mà còn cả các nước theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, bành trướng và bá quyền. Theo đó, động cơ chính trị của “diễn biến hòa bình” đã chuyển từ đấu tranh ý thức hệ là chính sang đấu tranh vì lợi ích dân tộc cục bộ là chính. Phương thức hoạt động của “diễn biến hòa bình” tập trung vào gây sức ép về kinh tế - tài chính và tấn công mạng thông tin; chuyển trọng tâm từ bên ngoài tác động vào trong các nước sang thúc đẩy các hoạt động chống đối ngay bên trong nội địa, trong nội bộ và tại chỗ là chính. “Diễn biến hòa bình” đã phát triển đến đỉnh cao, đến mức có thể coi là một “công nghệ”, đó là “công nghệ lật đổ”. Triệt để sử dụng các trang mạng xã hội trên internet và vai trò của các tổ chức phi chính phủ để gieo mầm, thúc đẩy “xã hội dân sự”, khởi động sự phản kháng của các phần tử chống đối ở trong nước biểu tình phản đối để lật đổ chế độ. Mục tiêu chủ yếu của “diễn biến hòa bình” là làm thay đổi tính chất quốc gia, dân tộc của chế độ chính trị của các nước theo hướng có lợi cho CNĐQ và cường quyền về lợi ích địa - chính trị và địa - kinh tế thay vì mục tiêu chính trị cực đoan.

“Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xuất hiện lần đầu trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng (năm 2011): “Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp”. Đại hội XII, Đảng ta nhận định: “những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp”.

“Tự diễn biến” được hiểu theo nghĩa là sự suy đồi ngay từ nội bộ, sự thay đổi theo chiều hướng xấu, chiều hướng tiêu cực. “Tự diễn biến” xảy ra ở hai phạm vi: đối với cá nhân và tổ chức. “Tự diễn biến” đối với cá nhân là sự thay đổi về nhận thức chính trị - xã hội, thay đổi về quan điểm, tư tưởng theo chiều hướng tiêu cực, xấu đi, nhận thức và hành động xa rời, nhận thức đi ngược lại chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. “Tự diễn biến” đối với tổ chức là có những thay đổi ở tầm vĩ mô về đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, làm thay đổi bản chất chính trị, thậm chí làm suy yếu và tan rã tổ chức đó. “Tự diễn biến” của cá nhân có thể dẫn đến sự thay đổi của tập thể, tổ chức. “Tự diễn biến” của tổ chức chi phối, áp đặt, điều khiển đối với cá nhân trong tổ chức đó.

“Tự chuyển hóa” là hậu quả tất yếu của quá trình “tự diễn biến”, nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã chỉ ra những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó đáng chú ý nhất là các biểu hiện sau: (1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”. (2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai. (3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. (4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. (5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi “phi chính trị hóa” quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an. (6) Móc nối, cấu kết với các TLTĐ, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

“Diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”có mối quan hệ khăng khít, không thể tách rời và tác động lẫn nhau. Đó là mối quan hệ giữa khách quan và chủ quan, giữa nhân tố bên ngoài và bên trong. “Diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đến lượt nó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thúc đẩy “diễn biến hòa bình”, trong đó “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nhân tố bên trong quan trọng nhất.

Sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu đã khẳng định điều đó. Các TLTĐ thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Liên Xô và các nước XHCN. Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, giới hiếu chiến trong ban lãnh đạo Mỹ đã có kế hoạch chống phá toàn diện Liên Xô. Nhiều trung tâm Xô Viết học ra đời tại Mỹ và các nước Tây Âu khác về thực chất là những cơ quan tình báo nghiên cứu, soạn thảo chính sách chống Liên Xô và các nước XHCN khác. Các Chính phủ Mỹ thời Rigân, Bush, Clintơn đã ra nhiều chỉ lệnh chống phá Liên Xô và các nước XHCN trên tất cả các lĩnh vực. Thông qua các chiêu bài viện trợ nhân đạo để cung cấp tài chính cho các tổ chức đối lập: Công đoàn đoàn kết của Ba Lan, Luận bàn dân chủ của Hungary, Luận đàm mới của Cộng hòa dân chủ Đức, Luận đàm công dân ở Tiệp Khắc, Tính công khai của Bungary, v.v. Nhưng quan trọng nhất là sự suy thoái của Đảng Cộng sản Liên Xô diễn ra trước hết và chủ yếu ở các đảng viên giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt các cấp. Goócbachốp sau đó đã từng thừa nhận: mục tiêu của toàn bộ cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Đây là nguyên nhân chủ quan chủ yếu dẫn đến sự sụp đổ chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu.

Sau khi thua Việt Nam bằng súng đạn, Mỹ đã thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam. Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng đã xác định “diễn biến hòa bình” của các TLTĐ là một trong bốn nguy cơ. Từ Đại hội VIII đến nay, nghị quyết các đại hội và nhiều nghị quyết Trung ương đã nhấn mạnh phải kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, trong đó đề cao ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”.

Nói tóm lại “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau, đó là mối quan hệ giữa nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan, trong đó nhân tố chủ quan là quan trọng nhất. Phải tăng cường đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đồng thời phải đẩy mạnh đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”. Làm tốt cuộc đấu tranh này, chúng ta sẽ bảo vệ được Đảng, được chế độ, đưa đất nước vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

_________________

(*) Xem: GS, TS Phùng Hữu Phú, GS, TS Lê Hữu Nghĩa, GS, TS Vũ Văn Hiền, PGS, TS Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên): Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 732-733.
PGS, TS Nguyễn Viết Thông
Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét