Thứ Tư, 24 tháng 10, 2018

Không thể xuyên tạc, phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa của dân tộc ta

Lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ 20 cho thấy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ là một thành tựu vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà còn mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta-thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chế độ xã hội do nhân dân làm chủ.

Chế độ xã hội và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam) đã kế thừa truyền thống lịch sử của dân tộc, đồng thời còn kế thừa, phát triển những tư tưởng tiến bộ của cách mạng dân chủ tư sản. Đó là tư tưởng độc lập dân tộc trong “Tuyên ngôn độc lập” của Hoa Kỳ năm 1776 và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của Pháp năm 1789. Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển những tư tưởng tiến bộ đó thành tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với xây dựng chế độ xã hội dân chủ, cộng hòa theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong bản "Tuyên ngôn Độc lập" năm 1945.

Đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu có ý nghĩa thời đại. Đó là thắng lợi của kháng chiến chống thực dân, đế quốc bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; vượt qua cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống của chủ nghĩa xã hội (CNXH) những năm 1985-1991, tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1986) thắng lợi.
Thế nhưng, lợi dụng internet, mạng xã hội, có kẻ đã tung ra thông tin thất thiệt, xuyên tạc, bôi nhọ CNXH và chế độ xã hội XHCN nói chung, chế độ xã hội và Nhà nước ta nói riêng. Trên BBC gần đây có kẻ viết rằng: “Gần như ở nơi nào mà CNXH đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát”. Có người cho rằng trên thế giới, học thuyết Mác-Lênin đã lỗi thời; rằng “Việt Nam nên bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin” vì lý luận đó “đã cản trở con đường tiến lên văn minh hiện đại trong hòa bình của Việt Nam”. Có người thì “kiến nghị” Đảng nên bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, chuyển sang “tư tưởng dân tộc, dân chủ”. 
Vậy quan điểm cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam cần từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, từ bỏ con đường XHCN sai lầm ở đâu? Vì sao Việt Nam khẳng định: Con đường phát triển của dân tộc ta chỉ có thể là con đường XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo?
1- Kinh nghiệm lịch sử thế kỷ 20 đã chỉ ra rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin là lý luận cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước và phát triển đất nước-hội nhập quốc tế duy nhất đúng đắn của nhân dân Việt Nam.
Còn nhớ trong thế kỷ 19 và 20, lực lượng chính trị cực hữu ở các quốc gia phát triển đương thời, trong đó có Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đến Việt Nam dưới khẩu hiệu “khai hóa”, nhưng thực chất đó là những cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo. Khi đánh bại lực lượng phong kiến Việt Nam, thực dân Pháp áp đặt chế độ thuộc địa, đồng thời duy trì chế độ phong kiến, đẳng cấp, bóc lột nhân dân Việt Nam đến tận xương tận tủy.
Nạn đói khủng khiếp năm 1945 là một ví dụ. Chỉ tính từ tỉnh Quảng Trị trở ra Bắc Bộ (với “đỉnh điểm” là tỉnh Thái Bình) nạn đói đã làm chết hơn 2 triệu người, chiếm gần 10% dân số Việt Nam khi đó. Theo con số ghi chép từ công trình nghiên cứu “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam-những chứng tích lịch sử” của GS Văn Tạo và GS Furuta Moto (Nhật Bản): “Nhiều làng xã chết từ 50% đến 80% dân số, nhiều gia đình, dòng họ chết không còn ai. Làng Sơn Thọ, xã Thái Thượng, huyện Thái Ninh (nay là huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) có hơn 1.000 người thì chết đói mất 956 người”[1].
Nối tiếp cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đã tiến hành một cuộc chiến tranh mang tính hủy diệt đối với dân tộc Việt Nam; đồng thời sử dụng chủ nghĩa thực dân mới: Xây dựng chính quyền tay sai nhằm thống trị và chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. Còn nhớ ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai của chúng đã gây ra bao nhiêu vụ thảm sát. Không kể chế độ khắc nghiệt, tù nhân phải ăn gạo mục, cá ươn, muối hạt, nước mắm có dòi… nhiều tù nhân cốt cán phải nằm xà lim, chuồng cọp, thường xuyên bị tra tấn dã man… 
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các dân tộc trên thế giới, bao gồm cả nhân dân tiến bộ Pháp, Mỹ… đánh bại chủ nghĩa thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế hơn 30 năm qua (từ năm 1986 đến nay) do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã đem lại những thành tựu có ý nghĩa thời đại. Từ một nước nghèo, trải qua hơn 30 năm chiến tranh, bị cấm vận, cho đến nay, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, trở thành đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bình đẳng với nhiều nước lớn, trong đó có Nga, Trung Quốc (đối tác chiến lược toàn diện) và Hoa Kỳ (đối tác toàn diện).
Trong suốt chiều dài lịch sử, từ thập niên 30 của thế kỷ 20 đến nay chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng chính trị duy nhất đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam là đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, gắn liền độc lập dân tộc với chế độ xã hội do nhân dân làm chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh của Đảng năm 1930 xác định: Tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[2].
Cương lĩnh năm 2011, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Đi lên CNXH là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.
Đại hội lần thứ XII (năm 2016) của Đảng đã xác định mục tiêu của dân tộc Việt Nam là: Xây dựng một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện… có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”.
2- Để tiến đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, con đường duy nhất của dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Tính tất yếu của con đường XHCN của dân tộc Việt Nam trước hết bắt nguồn từ lịch sử, từ sự lựa chọn của nhân dân. Ngày nay, trên thế giới có nhiều mô hình xã hội với nhiều chế độ xã hội khác nhau. Mỗi quốc gia, dân tộc lựa chọn mô hình nào đó đều dựa trên những điều kiện lịch sử của dân tộc mình, đồng thời tùy theo thể chế xã hội và do đảng chính trị cầm quyền lãnh đạo thực hiện. Không ít nhà nước trên thế giới ngày nay là nhà nước “cộng hòa”, “cộng hòa dân chủ nhân dân"; “cộng hòa nhân dân”; “cộng hòa-tổng thống"; "cộng hòa đại nghị"; nhà nước tôn giáo (Vatican). Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và luật pháp các quốc gia đều tôn trọng sự lựa chọn chế độ xã hội và nhà nước của các dân tộc.
Một số người lợi dụng internet, mạng xã hội tán phát quan điểm xuyên tạc, phủ nhận xã hội XHCN nói chung, phủ nhận con đường XHCN của dân tộc Việt Nam là vô căn cứ. Họ chỉ dựa vào tên gọi, hoặc tư tưởng chính trị theo quan điểm giáo điều hoặc những mặt tiêu cực nào đó của xã hội để đánh giá nước này là “văn minh”, nước kia là “lạc hậu”. Đó chỉ là những thủ đoạn chính trị cổ hủ, vô căn cứ.
Tư tưởng về cách mạng xã hội tiến đến chủ nghĩa cộng sản, trong đó “sự tự do phát triển của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản) do Mác và Ăngghen sáng tạo trước khi có cách mạng XHCN. Lênin và Đảng Cộng sản Nga (sau đó là Đảng Cộng sản Liên Xô) đã vận dụng, phát triển lý luận đó, lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Mười đưa đến sự ra đời nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới, đồng thời mở ra hệ thống XHCN, phá thế độc quyền của tư bản chủ nghĩa (TBCN) thế giới. Cho dù thế giới ngày nay đã có những thay đổi lớn lao nhưng không thể phủ nhận được những sự kiện lịch sử mang tính thời đại này.
Ở Việt Nam, đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo học thuyết này phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của cách mạng. Cuộc Cách mạng Tháng Tám không phải là một cuộc cách mạng vô sản như ở nước Nga (năm 1917), mà là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc theo Chủ nghĩa Lênin, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói. Nhà nước mới, sau cách mạng cũng không phải theo mô hình nhà nước Xô-viết, mà là nhà nước “dân chủ, cộng hòa” do nhân dân làm chủ, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hướng tới xã hội XHCN.
Chế độ xã hội ở Việt Nam từ năm 1975 đến nay đã trải qua hai mô hình xã hội với những thể chế và chính sách khác nhau. Mô hình trước đổi mới (1976-1986) là “Chế độ làm chủ tập thể XHCN”[3]. Về chính trị, đó là chế độ xã hội dựa trên nhà nước, thực sự của dân, do dân, vì dân… dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về kinh tế, đó là chủ trương “xóa bỏ chế độ sở hữu TBCN… xác lập chế độ sở hữu XHCN dưới hai hình thức: Sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể” bằng những phương pháp và bước đi thích hợp.
Mô hình xã hội XHCN trong thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay) là sự phát triển sáng tạo chế độ xã hội XHCN, đồng thời khắc phục những sai lầm nhận thức về CNXH. Mô hình đó, về chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Về kinh tế, đó là kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Về quan hệ quốc tế, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách rộng mở, không phân biệt chế độ xã hội, hệ tư tưởng.
Cần phải khẳng định, Việt Nam đi theo con đường XHCN là phù hợp với xu thế phát triển của thời đại ngày nay. Chế độ dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN của dân tộc Việt Nam ngày nay là sự kế thừa và phát triển lịch sử dân tộc. Về mặt lý luận, chế độ Việt Nam nằm trong hình thái quá độ từ CNTB lên CNXH, mở đầu từ sự ra đời của Nhà nước Xô-viết. Sự ra đời của hệ thống XHCN và phong trào cách mạng giải phóng dân tộc (từ thập niên 1960) đã xác nhận tính chất đúng đắn của lý luận đó. Còn nhớ, sau Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến những năm 70 của thế kỷ 20, hàng trăm quốc gia, dân tộc, nơi các đảng chính trị theo chủ nghĩa yêu nước, Chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó có nhiều đảng cộng sản đã lãnh đạo nhân dân lao động đứng lên lật đổ chế độ thuộc địa, giành được độc lập dân tộc, trong đó có nhân dân Việt Nam. Do nhiều nhân tố, trong đó có tác động của hệ thống XHCN, ở các nước TBCN đã hình thành phong trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ, tạo ra sự biến đổi những cơ chế, chính sách ít nhiều dung hòa lợi ích giữa giới chủ với người lao động. Điển hình cho phong trào này là kết quả đạt được giữa giới chủ với các tổ chức công đoàn ở các nước Bắc Âu, do các đảng dân chủ XHCN (còn gọi là các đảng xã hội dân chủ) lãnh đạo.
Thể chế Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện nay khác với thể chế “Nhà nước chuyên chính vô sản” (trong thời kỳ trước đổi mới), đó là Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Hiến pháp năm 2013 thể hiện toàn diện những bước phát triển về tư tưởng chính trị và pháp lý của Nhà nước Việt Nam.
Về chế độ xã hội, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. (Điều 2).
Về vai trò và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Điều 4 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Về quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày nay là rộng mở, không phân biệt chế độ xã hội, hệ tư tưởng, dựa trên các nguyên tắc-đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Tóm lại, đó là đường lối đối ngoại: “Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa…; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế… giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới” (Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng).
Hiến pháp năm 2013, lần đầu tiên đã dành cả một chương để quy định về quyền con người trên tất cả các nhóm quyền, từ quyền dân sự, chính trị đến các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa. Những quy định này hoàn toàn tương thích với các công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc.
Đảng và Nhà nước Việt Nam không phủ nhận những mặt tiêu cực đang tồn tại trong xã hội. Đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo, tình trạng suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là tình trạng tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Điều này được Đảng Cộng sản Việt Nam công khai hóa, đồng thời đang triển khai cuộc đấu tranh chống tham nhũng một cách có bài bản và quyết liệt. Các nghị quyết Đại hội XI, XII, nhất là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cho thấy rõ quyết tâm của toàn Đảng và toàn dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh này như thế nào. Trong những năm gần đây, không ít cán bộ có chức, có quyền ở cả cấp cao, lực lượng vũ trang đã bị xử lý kỷ luật Đảng và xử lý hình sự.
Tại Hội nghị Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chiều 27-4-2018 ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và “làm đến cùng”[4]. Gần đây, ngày 1-8-2018, trong buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn lưu ý: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, suy thoái, lãng phí, phòng, chống tiêu cực, chúng ta thường nói nhiều đến công tác cán bộ… “nhưng điều cốt yếu là gì? Đó là sự kiên định đi lên CNXH, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Lịch sử thế kỷ 20 cho thấy: Không có lực lượng chính trị nào ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có Cương lĩnh xác định mục tiêu là giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân; không có lực lượng chính trị nào có lý luận cách mạng khoa học sáng tạo, có đường lối, chính sách phù hợp với xu thế của thời đại; có hệ thống tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện và sẵn sàng hy sinh như Đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi vậy có thể nói, sự phát triển của dân tộc Việt Nam chỉ có thể là đi theo con đường XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
---------------------------------
[1] - Nạn đói năm Ất Dậu, 1944-1945 - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
[2] - Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.1.
[3] - Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo cáo Chính trị, Đại hội IV, NXB ST, 1997, HN, tr. 53,52.
[4] - “Tổng Bí thư khẳng định: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong chống tham nhũng”.Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, 27-4-2018 19:58 GMT+7
PHAN THANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét