Hôm 5-4, khi TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 6 bị cáo về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự (BLHS), một số cơ quan, tổ chức nước ngoài trở lại điệp khúc lên án, chỉ trích cùng những cáo buộc có tính áp đặt, can thiệp công việc nội bộ của cơ quan tư pháp.
Người phát ngôn ngoại giao Mỹ Heather Nauert ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại” về bản án dành cho 6 bị cáo mà họ gọi là “nhà hoạt động dân chủ”. Tuyên bố còn kêu gọi “thả toàn bộ các tù nhân lương tâm ngay lập tức và cho phép mọi cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm tự do, nhóm họp hòa bình không sợ bị trừng phạt”.
Phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch (HRW), ông Phil Robertson cũng lặp lại điệp khúc phê phán xưa cũ, lên án “Việt Nam không có phiên toà thực sự”. Tổ chức này còn phổ biến cái gọi là “thông cáo báo chí” đề nghị hủy bỏ mọi cáo buộc đối với các nhà “vận động nhân quyền” Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội và Trương Minh Đức...
Phản ứng về những tuyên bố nói trên, tại cuộc họp báo cùng ngày, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Về những thông tin mà một số tổ chức nhân quyền đưa ra, tôi xin bác bỏ những thông tin sai sự thật và thiếu khách quan. Ở Việt Nam không có cái gọi là tù nhân lương tâm, không có việc những người bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như ở tất cả các quốc gia trên thế giới, ở Việt Nam, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.
Tôi xin khẳng định, bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, cũng như với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực đảm bảo và thúc đẩy quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận”.
Quan điểm của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam là rất rõ ràng, khách quan, tất cả các bản án đều dựa trên cơ sở chứng cứ, quá trình xét xử công khai tại tòa, căn cứ theo quy định pháp luật Việt Nam.
Ở đây, có thể thấy rõ vấn đề mang tính quy luật: Khi các cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành các biện pháp tố tụng đối với bị can, bị cáo có hành vi phạm tội chống Nhà nước, chống chính quyền nhân dân, xâm phạm an ninh quốc gia thì những cá nhân, tổ chức nói trên lại ra các “tuyên bố”, “thông cáo báo chí” hay “thư ngỏ”... phê phán cơ quan tiến hành tố tụng cũng như đưa ra các yêu cầu có tính áp đặt, can thiệp công việc nội bộ nước khác.
Chẳng hạn, ngày 31-01-2018, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo Vũ Quang Thuận (52 tuổi, quê Thái Bình), Nguyễn Văn Điển (35 tuổi, quê Yên Bái) và Trần Hoàng Phúc (24 tuổi, quê TP Hồ Chí Minh) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”, theo quy định tại Điều 88, BLHS.
Ngày 01-02-2018, TAND TP Hồ Chí Minh xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hồ Văn Hải 4 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”... Những chỉ trích, cáo buộc lại dựng lên, được sự cổ súy của những trang mạng thù địch, chống phá, ra sức chỉ trích, bôi nhọ, phê phán dưới dạng đánh tráo bản chất như “tù nhân lương tâm”, “đàn áp nhân quyền”, “bắt bớ trắng trợn”...
Thực tế, HRW luôn lặp lại luận điệu xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp quyền tự do ngôn luận, lập hội, tự do báo chí, Internet... Những nhân vật mà HRW đưa ra để viện dẫn cho cái gọi là “đàn áp nhân quyền” là những cái tên tham gia các hội, nhóm, tổ chức chống phá đất nước.
Cổ suý, đồng hành cùng Freedom House, HRW, có không ít trang mạng, tờ báo, tạp chí, đài phát thanh và những tổ chức báo chí như Liên minh Báo chí Đông Nam Á (Seapa), Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières-RSF)...
Trong phúc trình, báo cáo thường niên, các tổ chức này đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch Nhà nước Việt Nam vi phạm tự do báo chí, Internet, trấn áp báo chí, trấn áp các bloggers rồi cố tình xếp Việt Nam nằm trong danh sách nhóm nước có thứ hạng cực thấp về tự do báo chí, ngôn luận, Internet... HRW, Freedom House trích dẫn những trường hợp bị phạt tù, xử lý hình sự khi lợi dụng mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội.
Những đối tượng chống phá đất nước tự nhận hoạt động vì dân chủ, nhân quyền, thiết lập kênh thông tin cá nhân riêng (Facebook, blog...) trên mạng Internet. Bằng những bài viết thể hiện quan điểm luôn đi ngược với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó có các bài viết lên án, chỉ trích mang động cơ rất tiêu cực, những đối tượng này đều có mối liên hệ mật thiết với các tổ chức thù địch nước ngoài, luôn mượn tiếng hoạt động vì dân chủ, nhân quyền để chống phá đất nước.
Nhiều người đã bị truy tố với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long, Nguyễn Văn Hải...
Số này bị bắt vì phạm tội theo quy định BLHS, tuy nhiên Freedom House, HRW, Reporters Sans frontières (RSF)... luôn mặc định đây là những “nhà dân chủ”, bị bắt vì “bất đồng chính kiến”. Tại bản án sơ thẩm TAND TP Hà Nội ngày 5-4-2018 nêu rõ, hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển đã thành lập và xây dựng “Hội anh em dân chủ” để lôi kéo những người có cùng quan điểm với mình hoạt động nhằm chống chính quyền nhân dân.
Bị cáo Trương Minh Đức và Lê Thu Hà không tham gia thành lập “Hội anh em dân chủ” nhưng khi bị lôi kéo vào Hội đã tích cực tham gia. Việc sinh hoạt thông qua mạng Internet chỉ là phương thức sinh hoạt của “Hội anh em dân chủ”.
Thực tế, thông qua các buổi họp trên mạng Internet, “Hội anh em dân chủ” đã được kiện toàn cơ cấu tổ chức, lôi kéo được nhiều người tham gia. Mục đích của Hội này là đấu tranh nhằm thay đổi quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xây dựng chế độ đa nguyên, đa đảng. Hành vi của các bị cáo không phải là đấu tranh cho dân chủ mà là hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Với hành vi chống chính quyền, chống nhân dân, không luật pháp quốc gia nào dung túng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, các đối tượng triệt để lợi dụng mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội, xâm phạm an ninh quốc gia. Trong Ðiều 110 của Hiến pháp tiểu bang Bavaria (CHLB Đức), khoản 2 ghi rõ: “Chống lại các loại văn chương bẩn thỉu và độc hại là nhiệm vụ của Nhà nước và các cơ quan địa phương”.
Còn tại Anh, tháng 8-2011, Thủ tướng Anh Cameron đã tuyên bố trước phiên họp của Quốc hội: “Chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội”. Còn tại Mỹ, nơi được cho là “thiên đường tự do” thì suốt thời gian dài, Chính phủ Mỹ vẫn nắm quyền kiểm soát Internet.
Gần đây, Mỹ tuyên bố không còn nắm quyền kiểm soát tổ chức quản lý tên miền Internet (ICANN) nhưng vẫn có “hành lang” để xử lý những trường hợp vi phạm. Điều 2385, Chương 115, Bộ luật Hình sự Mỹ ghi: “Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá và mọi hình thức vận động, xúi giục lật đổ, tiêu diệt chính quyền bất kỳ cấp nào”.
Chân tướng của những tổ chức như RSF, Freedom House, HRW đã lộ dạng từ lâu, cũng chiêu bài, thủ đoạn đánh lận, gian dối và vu cáo như cũ dù xu thế ngày nay đã thay đổi nhiều. Ngay cả việc họ tự cho mình quyền tập hợp, tổng kết, điều tra rồi đưa ra bản báo cáo, phúc trình cũng cho thấy sự tuỳ tiện bởi không có cơ sở pháp lý nào và cũng không có cơ quan chức trách nào giao cho họ làm việc đó. Vì vậy, những phát biểu, lên tiếng chỉ trích hay đưa ra các yêu cầu đòi “thả tự do ngay lập tức” là những chiêu trò lạc điệu, vô căn cứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét