Vừa qua, tổ chức “Phóng viên không biên giới” công bố xếp hạng và đánh giá tình hình “tự do báo chí năm 2017” đã xếp Việt Nam đứng thứ 175/180 nước, vu khống, xuyên tạc “Việt Nam vẫn còn tình trạng đàn áp, kiểm duyệt, bắt giữ, kết án các nhà báo và nhân viên truyền thông”. Đồng thời, tổ chức này kêu gọi Liên Hợp Quốc bổ nhiệm người đặc trách đảm bảo an toàn cho các nhà báo và tiến hành điều tra độc lập các vụ việc mà họ cho là “vi phạm tự do báo chí ở Việt Nam”. Vậy đâu là sự thật?
Trước hết, cần khẳng định, Việt Nam là quốc gia tự do báo chí. Hiện nay, ở Việt Nam có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm, một hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh - truyền hình, số lượng các kênh chương trình phát thanh - truyền trình quảng bá là 179 kênh, số lượng đơn vị cung cấp truyền hình cáp là 33 đơn vị, 98 cơ quan báo chí điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử tổng hợp; 420 mạng xã hội được phép hoạt động với lượng truy cập rất cao, ảnh hưởng ngày càng lớn về thông tin. Các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam không ngăn chặn và can thiệp, bảo đảm quyền tự do thông tin của mọi công dân. Hành lang pháp lý bao gồm Hiến pháp, Luật và các Nghị định, Thông tư liên quan đến quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ngày càng tiếp tục hoàn thiện hơn, phù hợp với các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình phát triển của báo chí. Các cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, nghề nghiệp trở thành diễn đàn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi tầng lớp nhân dân. Báo chí Việt Nam không chỉ đóng vai trò tuyên truyền, phổ biến mà còn phản biện, đóng góp ý kiến cho đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, tự do báo chí không phải là vô hạn. Quyền tự do đó tất yếu phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Điều 9, Luật Báo chí năm 2016 nêu rõ 13 loại hành vi bị nghiêm cấm và khẳng định: Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo cần nhận thức đầy đủ, nghiêm túc vấn đề này mới có thể sử dụng quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí một cách thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa tích cực với xã hội và con người.
Không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia khác đều có những quy định tương tự. Điển hình như ở Mỹ, báo chí vẫn nằm trong khuôn khổ của pháp luật. Bộ luật Hình sự Mỹ (Chương 115, Điều 2385) quy định: Nghiêm cấm mọi hành vi in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực hoặc bạo lực... Những quy định này nhằm mục đích ngăn chặn việc lợi dụng tự do báo chí chống chính quyền, lật đổ chính quyền, xâm phạm đến quyền tự do của cá nhân khác...
Như vậy, giống như mọi quốc gia phát triển trên thế giới, ở Việt Nam, quyền tự do báo chí đều được công nhận nhưng phải nằm trong khuổn khổ pháp luật. Cho dù xuất phát từ bất cứ động cơ gì đều có thể kết luận: tổ chức “Phóng viên không biên giới” đã vu khống, xuyên tạc một cách trắng trợn và vô căn cứ về tình hình báo chí ở Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét