Với tính tương tác cao như vậy, tin tức mạng xã hội lan toả rất nhanh rộng, với nhiều nội dung tốt xấu lẫn lộn, thật giả khó kiểm chứng. Người đọc phải đối mặt với khả năng "ngộ độc thông tin" cao và với những người không có sự tỉnh táo, việc "ăn quả lừa" là không hiếm.
Hình thức câu like, câu share cũng nhiều cấp độ, từ tin gây sốc, giật gân, đến sai sự thật, bịa đặt. Điều khó hiểu hơn cả là những bài như vậy lại có lượng bình luận đông đảo.
Chắc hẳn mọi người còn nhớ hồi tháng 8/2014, một cặp vợ chồng (Hà Nội) bị phạt vì tung tin đồn có người nhiễm Ebola ở Việt Nam trên facebook với mục đích câu view, share, người theo dõi cho trang bán hàng qua mạng.
Tháng 5/2016, Công an tỉnh Thái Bình từng khởi tố vụ án một thanh niên đăng sai sự thật "cá chết hàng loạt tại biển Cồn Vành", gây hoang mang cho người dân cũng như dư luận.
Mới đây nhất, một số trang mạng không rõ nguồn gốc đang phát tán thông tin Hiệp hội các doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Nội đề xuất công chức, viên chức Hà Nội mua xăng của trạm xăng Nhật. Tin đồn được Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tích Hiệp hội xăng dầu Việt Nam khẳng định là tin bịa đặt nhằm mục đích nào đó.
Là người đọc, nếu vô tâm, không suy xét kỹ sẽ trở thành công cụ cho sự lan truyền. Còn nếu để ý suy nghĩ, sẽ cảm thấy hoang mang giữa đúng và sai giữa rừng thông tin ảo. Tất nhiên, không thể đánh đồng những người dùng mạng đều là nhảm nhí, tào lào. Vấn đề thuộc vào ý thức, thái độ, hành vi của cá nhân. Nút like và share tưởng chừng vô hại, rất có thể là nguồn gốc gây nên bất đồng, mâu thuẫn và làm người khác bị tiêm nhiễm quan điểm sai lệch về các vấn đề xã hội.
Một lời khuyên mà tôi luôn muốn đưa ra với các bạn đó là cố gắng tìm hiểu đã rồi hãy phát biểu, bởi lúc đó dù ý kiến của bạn chưa thực sự sát đúng nhưng nó đáng được tôn trọng và xứng đáng để người khác cùng thảo luận với bạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét